Góc nhìn Marketing: Campaign “Lấm bẩn hóa hy vọng” kết hợp AI khéo léo cùng minigame giúp OMO khai thác hàng ngàn UGC
Khám phá chiến dịch “Lấm bẩn hóa hy vọng” từ thương hiệu OMO – Một trong những chiến dịch Marketing sử dụng AI đầy thông minh và hiệu quả tại Việt Nam.
Góc nhìn MARKETING: Chiến dịch “Lấm bẩn gieo hy vọng” của OMO
#1. Mục tiêu chiến dịch
Là một thương hiệu bột giặt hàng đầu, phủ sóng trên khắp thị trường Việt Nam, OMO sở hữu mức độ nhận diện không cần phải bàn cãi. Vì vậy, điều mà một nhãn hàng hàng lớn như OMO cần trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay có lẽ không phải tăng nhận diện, mà củng cố mối quan hệ khách hàng.
Do đó, trong những năm qua, có thể thấy phần lớn các chiến dịch của OMO đều đang hướng tới mục tiêu gia tăng cảm tình của người tiêu dùng đối với thương hiệu từ đó củng cố thị phần trước đối thủ cạnh tranh và những tên tuổi mới gia nhập thị trường. Tương tự đối với chiến dịch “Lấm bẩn gieo hy vọng”, việc tiếp tục sử dụng một thông điệp hướng tới cộng đồng cho thấy OMO một lần nữa hướng tới mục tiêu cải thiện sự yêu thích và tăng cường mối liên kết đối với người tiêu dùng Việt Nam.
#2. Insight & Key Message
Trong nhiều năm qua các chiến dịch truyền thông của Omo luôn gắn liền với slogan “Ngại gì lấm bẩn” – Biến tấu những vết bẩn trở thành một niềm vui, hạnh phúc, ý nghĩa trong cuộc sống. Tiếp nối Platform Content “Lấm bẩn” đó, chiến dịch Tết 2024 tiếp tục khai thác câu chuyện ý nghĩa phía sau những vết “Lấm bẩn” của người lao động.
Chiến dịch được thực hiện trong mùa Tết Giáp Thìn 2024 – một mùa tết khá đặc biệt khi người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng suy thoái kinh tế. Khó khăn về tài chính khiến cho những hi vọng về một cái Tết ấm no bên gia đình trở nên xa vời đối với rất nhiều người công nhân lao động thu nhập thấp. Họ chấp nhận ‘Lấm bẩn” bên trong những công xưởng, nhà máy để có thể hi vọng về một tương lai tốt đẹp, một cái Tết ấm no, sum vầy bên người thân và gia đình.
Từ bối cảnh đặc biệt đó OMO đã xây dựng thông điệp “Lấm bẩn gieo hy vọng”.
Theo OMO, ai đó có thể nói rằng áo quần “lấm bẩn” là vất vả, là không may. Nhưng với OMO và rất nhiều người, đặc biệt trong cái Tết này, “lấm bẩn” là cố gắng vươn lên không bỏ cuộc. Những vết “lấm bẩn” là minh chứng cho một hành trình đầy nỗ lực và kiên trì bền bỉ của bản thân trong suốt một năm qua, là những hạt mầm “hy vọng” cho những thành công trong tương lai. Chiến dịch được triển khai trong giai đoạn tháng 1 & tháng 2/2024.
Các hoạt động trong chiến dịch
Như vậy, cũng giống như những mùa Tết trước, OMO tiếp tục mang lại một thông điệp hướng tới cộng đồng trong chiến dịch lần này. Tuy nhiên điểm đặc biệt của chiến dịch “Lấm bẩn gieo hy vọng” đó là sự kết hợp của công nghệ AI trong quy trình triển khai đã giúp thương hiệu tạo ra lượng UGC ấn tượng.
Theo dõi: Fanpage Nhất Tín Marketing
#1. Minigame “Lấm bẩn hóa hy vọng” được tích hợp công nghệ AI
Ứng dụng AI là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của chiến dịch “Lấm bẩn gieo hy vọng”. Việc sử dụng AI trong marketing không còn xa lạ đối với thị trường quốc tế. Nhưng tại Việt Nam thì OMO là một trong số ít thương hiệu có thể ứng dụng hiệu quả và tạo nên tiếng vang thực sự cho chiến dịch nhờ AI.
Trong chiến dịch lần này OMO sử dụng công nghệ AI để tạo nên một Chatbot trong Messenger và cho phép người dùng trò chuyện với AI. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng thực hiện một bộ AI Filter, cho phép người dùng có thể tự tạo ra những bức ảnh Tết cho riêng mình.
Với cách ứng dụng AI này, OMO đã trao quyền sử dụng AI cho chính bản thân của người tiêu dùng. Đây là một chiến lược rất phù hợp trong bối cảnh mà người tiêu dùng vẫn còn nhạy cảm với những sản phẩm và nội dung được tạo ra bởi AI.
Những công cụ AI này được OMO sử dụng trong 1 Minigame mang tên “Lấm bẩn hóa hy vọng”. Minigame đưa người dùng trò chuyện với Chatbot và AI filter của Omo, từ đó người dùng sẽ nhận được một tấm ảnh kèm lời chúc. Sau khi nhận được kết quả người chơi chỉ cần đăng tải trên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm những lời chúc cho bản thân trong năm mới cùng hashtag #Lambangieohyvong. Sau đó bình luận link bài đăng trong phần mini game trên Fanpage của thương hiệu.
Xem thêm: Case study thực chiến Digital Marketing
Sự kết hợp giữa AI và Minigame không chỉ mang lại cho người dùng một trải nghiệm thú vị mà còn kích thích họ chia sẻ chiến dịch của thương hiệu. Qua đó hai hoạt động này đã giúp OMO tạo ra một lượng lớn User-generated Content. Cụ thể, công cụ AI đã tạo ra 2000 ảnh đại diện cho người chơi, góp phần thúc đẩy 4850 lượt tương tác trên Fanpage của OMO. Mặt khác, quá trình trò chuyện cùng AI của người chơi cũng có thể giúp thương hiệu thu về những dữ liệu, insight đắt giá.
Đặc biệt, trong bối cảnh mà người tiêu dùng vẫn còn khá nhạy cảm với những sản phẩm được tạo nên bởi AI, chiến lược sử dụng AI của OMO là một lựa chọn khá thông minh. Thay vì dùng AI để trực tiếp tạo nên hình ảnh hay sản phẩm truyền thông, thương hiệu trao quyền sử dụng AI cho chính bản thân người dùng.
#2. Music Video – “Mai Má về” – Hòa Minzy
Một trong những đặc sản không thể thiếu trong mùa Tết của các thương hiệu đó là MV Nhạc Tết. Không nằm ngoài xu hướng đó, OMO cũng đã kết hợp cùng nữ Ca sĩ Hòa Minzy, Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền và các diễn viên nổi tiếng để thực hiện MV “Mai Má về”, trên nền bài hát Lấm Lem Êm Ấm.
MV tiếp tục khai thác thông điệp về sự vất vả của người lao động trong ngày cận Tết thông qua câu chuyện của những đứa con chờ mẹ đi làm phương xa trở về. Từ đó, OMO mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người dân tiếp tục cố gắng, chẳng ngại lấm bẩn, bởi vì “Còn lấm bẩn là còn thấy Tết”.
MV đã thu về hơn 18 triệu view trên Youtube, Top 9 thịnh hành Youtube Music sau 6 ngày ra mắt.
#3. Influencer – Nhân vật truyền cảm hứng:
Ngoài Hòa Minzy trong MV trên, chiến dịch còn thực hiện một hoạt động về Influencer khá đặc biệt “Nhân vật gieo hy vọng”. Các nhân vật “gieo hy vọng” là các Influencer đến từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: Đinh Hằng – Travel Blogger, Anh Thư – Chủ tiệm bánh mì cô khuyết, Hiếu PC – Chuyên gia an ninh mạng, An Đen – Nhà sáng tạo nội dung, Nguyễn Quốc Lập – Họa sĩ độc lập, Vũ Trung Anh Rim – Doanh nhân. Nhưng điểm chung của họ là đều có những câu chuyện truyền cảm hứng về sự cố gắng và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
#4. CSR – Hoạt động thiện nguyện tặng vé xe
Khi sử dụng một thông điệp hướng tới cộng đồng như trên, chắc chắn chiến dịch không thể thiếu những hoạt động CSR thực tế, để củng cố cho những giá trị mà thương hiệu muốn truyền tải. OMO đã thực hiện chương trình “Chuyến xe Mùa Xuân – Hy Vọng 2024” – Trao tặng 1.500 vé xe miễn phí về quê và hơn 3000 phần quà cho các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp cho nhiều người lao động được trở về đón Tết bên gia đình. Hoạt động này được phối hợp cùng Báo Thanh Niên và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP. HCM (YEAC) tổ chức.
#5. Sponsor – Phối hợp cùng VTV triển khai chương trình “Hy vọng 2024”
“Hy vọng 2024” là chương trình đón năm mới đặc biệt, lần đầu được lên sóng VTV lúc 20 giờ ngày 13/2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn) trên kênh VTV3. “Hy vọng 2024” được thực hiện với mong muốn tiếp thêm niềm tin, động lực cho khán giả trong những ngày đầu xuân mới để vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế xã hội không ngừng biến động.
Từ thông điệp, tới nội dung của chương trình rất phù hợp với chiến dịch “Lấm bẩn gieo hy vọng” của OMO. Các nhân vật “Gieo hy vọng” của chiến dịch cũng đã xuất hiện trong chương trình này.
Bên cạnh các hoạt động chính, OMO cũng triển khai thêm nhiều hoạt động bổ trợ như Bộ Sticker Zalo, Booking Hotpage, Hợp tác cùng các TikToker như “Vẽ hạnh phúc”,…
Kết quả chiến dịch:
Bên cạnh kết quả khá ấn tượng cho từng hoạt động trên, toàn chiến dịch “Lấm bẩn gieo hy vọng” nhận được lượng tương tác tương đối tốt:
- Gần 8000 lượt thảo luận trên mạng xã hội. Trong đó, #Lambangieohyvong đã được nhắc tới trong 418 bài đăng trên TikTok và 2,1K bài viết trên Facebook.
- Top 4 bảng xếp hạng BSI cho chiến dịch nổi bật tháng 1/2024
- Top 1 về số lượng người thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội 2024.
Đây là những con số rất ấn tượng đối với một chiến dịch diễn ra trong giai đoạn cao điểm của quảng cáo ngày Tết. Bên cạnh những thống kê trên, có thể thấy phản hồi chung của người tiêu dùng về chiến dịch của OMO cũng khá tích cực.
Tham khảo: Phần mềm AI phục vụ công việc
Tạm kết:
Bên cạnh những thông điệp ý nghĩa vốn đã là thế mạnh trong nhiều chiến dịch trước đây của OMO, “Lấm bẩn gieo hy vọng” còn thành công nhờ vào việc khai thác AI khéo léo. Sự cân bằng giữa những yếu tố được tạo nên bởi AI và con người giúp chiến dịch tránh khỏi phản ứng tiêu cực của người dùng với công cụ này.
Đồng thời tạo nên một trải nghiệm thú vị hơn đối với người tiêu dùng Việt. Mặt khác sự kết hợp giữa AI và các hình thức Marketing khác như Minigame, Booking, Hotpage, KOL,… đã góp phần khai thác triệt để hiệu quả của AI, tạo ra độ phủ mạnh mẽ và lượng UGC dồi dào cho chiến dịch.
Nguồn: Marketing AI
Hoàng Anh Kiệt – Nhất Tín Marketing