Là một trong những thị trường tỷ đô với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc tại Việt Nam, Fast Food đang là mảnh đất tiềm năng mà rất nhiều thương hiệu trong và ngoài nước nhắm tới. Với nhịp độ sống ngày một tăng cao, tính tiện ngày càng trở nên quan trọng, Fast Food được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, xu hướng tiêu thụ ẩm thực của người tiêu dùng Việt trong thời gian gần đây đã có nhiều sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là nhu cầu về dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe ngày một tăng cao. Cùng nhìn lại toàn cảnh thị trường Fast Food Việt Nam và những thay đổi mới nhất trong báo cáo thị trường từ GMO.
Trong một báo cáo mới về thị trường Fast Food Việt Nam, GMO đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1000 người tiêu dùng, bao gồm cả nam lẫn nữ trong độ tuổi từ 15 đến 99 nhằm tìm ra những insight mới.
Xem thêm: Dịch vụ chăm sóc FANPAGE
Gó nhìn Marketing về tổng quan thị trường Fast Food Việt Nam – KFC vẫn là thương hiệu được yêu thích nhất
Nhu cầu ăn uống ngoài, tiện lợi, nhanh chóng đã trở thành một phần thiết yếu của đời sống hiện đại tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tổng giá trị của thị trường đồ ăn nhanh toàn cầu đã đã cán mốc 651 tỷ đô vào năm 2022 và đặc biệt thành công vang dội ở những thị trường như Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á trong đó có Việt Nam.
Ở thị trường Việt Nam, lĩnh vực Fast Food liên tục tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định trong những năm qua với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 15% đến 17%. Trong đó hai nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng trưởng này được cho là Mức thu nhập khả dụng tăng cao và Lực lượng dân số trẻ như Gen Y, Gen Z ngày càng trở nên đông đảo.
Trong đó, KFC vẫn đang là thương hiệu đồ ăn nhanh được yêu thích nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây với 45,2% ứng viên tham gia khảo sát bình chọn. Tiếp đó là McDonald’s và Lotteria – đều là những tên tuổi quốc tế lâu đời với số lượng cửa hàng đông đảo, phủ sóng khắp các thành phố lớn. Bộ 3 cái tên này hoàn toàn lấn át các thương hiệu khác trên thị trường với tổng 97,3% lượng bình chọn trong khảo sát.
Chân dung khách hàng tiềm năng của thị trường Fast Food
#1. Nhân khẩu học
Xét về yếu tố nhân khẩu học có thể thấy độ tuổi tiêu thụ đồ ăn nhanh nhiều nhất tại thị trường Việt Nam đó là nhóm người từ 25 đến 34 tuổi chiếm tới 41%. Điều này không có lý giải bởi đây là nhóm người tiêu dùng trẻ, đang trong độ tuổi lao động, có khả năng tự chủ về kinh tế, do đó mức tiêu thụ đồ ăn nhanh của họ cũng tương đối lớn
Ngoài ra, nhóm người tiêu dùng trẻ khác từ 35 đến 44 và 18 đến 24 cũng chiếm tỷ trọng tương đối cao. Còn đối với người tiêu dùng ở độ tuổi trên 45 chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, do nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm đồ ăn nhanh đã không còn nhiều.
Xét về giới tính, tỷ lệ tiêu thụ đồ ăn nhanh của người tiêu dùng nam và nữ tại Việt Nam gần như ngang bằng nhau, không có sự khác biệt quá lớn. Điều này phần nào cho thấy nhu cầu tiêu thụ đồ ăn nhanh có lẽ không phụ thuộc nhiều vào yếu tố giới tính.
#2. Thu nhập
Báo cáo đã chỉ ra rằng: Những người thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng là nhóm người tiêu dùng tiêu thụ đồ ăn nhanh nhiều nhất tại Việt Nam với tỷ lệ lên tới 30,9%. Tiếp đó là nhóm có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng với tỷ lệ là 24,9%.
Và không quá bất ngờ khi những người tiêu dùng có mức thu nhập thấp dưới 5 triệu đồng không tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh, chỉ chiếm tỷ trọng chỉ khoảng 20%. Đồng thời, nhóm khách hàng có mức thu nhập cao như từ 20 triệu đồng trở lên cũng không quá yêu thích các sản phẩm đồ ăn nhanh.
#3. Khả năng chi trả cho mỗi bữa ăn
Tại Việt Nam chi phí trung bình cho mỗi lần thưởng thức đồ ăn nhanh của người tiêu dùng tại các cơ sở rơi vào khoảng từ 93.000 đến 140.000 VNĐ, theo báo cáo của Bloomberg năm 2020. Ở thời điểm năm 2020 thì con số này vốn đã cao hơn rất nhiều so với chi phí trung bình cho một bữa ăn của người tiêu dùng Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, với tốc độ tăng trưởng về thu nhập cũng như tình hình lạm phát kinh tế thì có lẽ mức chi tiêu trung bình này đã tăng lên khá nhiều.
Trong khi đó, chi phí trung bình cho một bữa ăn bình thường của người tiêu dùng Việt Nam chỉ dao động trong khoảng từ 40.000 đến 60.000 là khoảng chi phí phổ biến nhất. Như vậy có thể thấy người tiêu dùng chi trả khá thoáng tay cho những lần sử dụng đồ ăn nhanh.
Nhìn chung, từ những yếu tố trên có thể thấy nhóm đối tượng tiềm năng nhất đối với các thương hiệu đồ ăn nhanh tại Việt Nam sẽ có chân dung cơ bản như sau
- Độ tuổi: 18-44: Nhóm người tiêu dùng trẻ có sự chủ động về thu nhập và yêu thích sự tiện lợi của đồ ăn nhanh
- Giới tính: Nam & Nữ không có sự chênh lệch quá nhiều khi tiêu thụ đồ ăn nhanh.
- Nghề nghiệp: Nhân viên Full-time: Những người đi làm, đặc biệt là dân văn phòng, có nhu cầu với đồ ăn nhanh rất lớn vì họ đề cao tính tiện lợi nhanh chóng trong quá trình ăn uống.
- Mức thu nhập: 10-15M VNĐ: Đây là một mức thu nhập rất phổ biến tại Việt Nam mở ra cơ hội khai thác khách hàng cực lớn cho các doanh nghiệp đồ ăn nhanh.
Insight: Điều gì khiến người dùng thích & không thích khi lựa chọn đồ ăn nhanh?
#1. Những lý do khiến người tiêu dùng yêu thích đồ ăn nhanh
Khi được hỏi về những lý do mà người tiêu dùng yêu thích đồ ăn nhanh, các ứng viên phần lớn đều trả lời rằng nguyên nhân đến từ 3 yếu tố cơ bản:
- Sự tiện lợi
- Nhanh chóng
- Lựa chọn đa dạng
Những đặc điểm này giúp Fast Food đáp ứng tốt nhịp sống nhanh chóng của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là nhóm dân văn phòng, sinh viên. Vì vậy, các đặc điểm trên cũng được xem là những yếu tố cơ bản nhất mà mọi thương hiệu trong mảng đồ ăn nhanh cần phải đảm bảo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam.
#2. Lý do khiến người tiêu dùng không chọn đồ ăn nhanh
Hiện nay đồ ăn nhanh đã trở thành một loại thực phẩm rất phổ biến tại các khu vực thành thị của Việt Nam. Tuy nhiên , trong 1.000 ứng viên tham gia khảo sát vẫn có khoảng 6% ứng viên trả lời rằng họ không tiêu thụ đồ ăn nhanh. Khi được hỏi về những lý do dẫn đến việc họ không yêu thích loại thực phẩm này, các ứng viên đã trả lời ba lý do chính:
- Mức giá quá cao 45,2%
- Đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe 31,3%
Trong đó có thể thấy người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng chú ý hơn tới những vấn đề về sức khỏe ngay cả khi tiêu thụ những loại sản phẩm như đồ ăn nhanh. Chính vì vậy trong thời gian vừa qua các thương hiệu đồ ăn nhanh đã liên tục ra mắt những sản phẩm mới được truyền thông là những sản phẩm “Healthy” có lợi cho sức khỏe.
#3. Thời điểm thưởng thức đồ ăn nhanh yêu thích của người tiêu dùng Việt
Theo khảo sát, phần đông người tiêu dùng sử dụng đồ ăn nhanh tương đối thường xuyên với tần suất khoảng vài lần một tuần (43%) hoặc 1 lần một tuần (21,7%). Có thể thấy đồ ăn nhanh đang dần trở thành một phần trong thói quen ăn uống hằng ngày, hằng tuần của người tiêu dùng Việt.
Trong đó, thời gian tiêu thụ đồ ăn nhanh nhiều nhất là vào bữa trưa (30,2%) và bữa tối (24,5%). Ngoài ra, người tiêu dùng cũng sử dụng khá nhiều đồ ăn nhanh vào các bữa phụ (bữa giữa buổi) (22,2%). Đây là một dữ liệu đặc biệt quan trọng cho các chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu đồ ăn nhanh, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới thời điểm các thương hiệu hiển thị quảng cáo, tung voucher,… sao cho phù hợp nhất với thời điểm phát sinh nhu cầu của người tiêu dùng.
#4. Người tiêu dùng biết tới thương hiệu qua những kênh nào?
Với tệp khách hàng chủ yếu là người trẻ, các kênh online chắc chắn sẽ là kênh truyền thông không thể thiếu cho các thương hiệu đồ ăn nhanh. 73,3% số người tham gia khảo sát cho biết thông tin trên Internet là kênh hiệu quả nhất để họ biết tới các thông tin về một thương hiệu đồ ăn nhanh nào đó. Ngoài ra, họ cũng có thể tiếp xúc với thương hiệu qua một số kênh khác hư: TV, giới thiệu từ bạn bè, người thân….
#5. Lý do khiến người tiêu dùng lựa chọn một thương hiệu đồ ăn nhanh
Khi được hỏi về những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn một thương hiệu đồ ăn nhanh, phần lớn các ứng viên đã trả lời với 5 lý do chính:
- Sự tiện lợi (21,6%)
- Giá cả (19,9%)
- Sự đa dạng về sản phẩm (18,1%)
- Quảng cáo của thương hiệu (12,5%)
- Dịch vụ (12%)
- Branding (9%)
Như vậy, ngoài 3 lý do cơ bản, quyết định mua đồ ăn nhanh của người tiêu dùng Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi yếu tố quảng cáo, độ nổi tiếng của thương hiệu và chất lượng dịch vụ. Vì vậy, để chinh phục người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường đồ ăn nhanh đông đúc như hiện nay thì yếu tố về giá rẻ hay tiện lợi là chưa đủ, thương hiệu cần đảm bảo các hoạt động quảng cáo, branding liên tục để duy trì nhận diện với khách hàng.
Tạm kết:
Từ báo cáo trên có thể thấy chân dung khách hàng tiềm năng trên thị trường Fast Food tại Việt Nam đang khá rõ ràng, tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng trẻ, dân văn phòng, học sinh, sinh viên. Trong đó, tính tiện lợi và giá cả vẫn luôn là những yếu tố hàng đầu quyết định tới hành vi tiêu thị thức ăn nhanh của người tiêu dùng. Tuy nhiên, họ cũng bị ảnh hưởng bởi các tác động khác như quảng cáo, thương hiệu,… và gần đây nhất là nhu cầu về dinh dưỡng, sức khỏe.
Vì vậy, thương hiệu đồ ăn nhanh cũng cần có những chiến lược tiếp cận mới như: Đẩy mạnh các chiến dịch tiếp cận, branding & khuyến mãi trên các kênh online, Xây dựng các combo cho phép người dùng được thưởng thức cùng bạn bè hoặc phát voucher để họ có thể mời bạn bè cùng thưởng thức,….
Nguồn: GMO
Hoàng Anh Kiệt – Nhất Tín Marketing